Đón Xuân – Tưởng nhớ về một người lãnh đạo tận tụy vì sự nghiệp Tòa án!

Các thế hệ lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Nam qua các thời kỳ mà tôi công tác, mỗi người có một phong cách lãnh đạo riêng. Mỗi người đều để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng cán bộ, công chức, người lao động và được nhân dân ghi nhận. Tôi trân trọng họ, vì những cống hiến hết mình, vì những trăn trở của họ xây dựng một Tòa án nhân dân Quảng Nam nói riêng, vì sự nghiệp Tòa án nói chung.

          Trong những người lãnh đạo ấy, tôi tâm đắc nhất là đồng chí Trần Ngọc Triều, nguyên Bí thư BCS Đảng Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 1997 2013. Lúc đương chức hay đã nghỉ hưu, đồng chí luôn là người lãnh đạo, người anh thân thương của các thế hệ cán bộ công chức, người lao động Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam. Trong câu chuyện này, tôi gọi đồng chí là anh, gần gũi như con người đồng chí.

Từ Quốc lộ I A ở Hương An, thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam rẽ đường tỉnh lộ 611, về hướng Tây khoảng chừng 7km, đến xã Phú Thọ (Nay là xã Quế Mỹ), huyện Quế Sơn hỏi anh ba Triều ai cũng biết. Người ta biết anh, về những năm tháng làm ở Tòa án luôn công tâm, gắn bó với nhân dân. Anh còn là người hàng xóm láng giềng gần gũi, thân thiết dù khi còn đương chức hay nay đã nghỉ hưu.

Anh sinh ngày 15/12/1952, tại xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bản thân anh tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 13 tuổi, anh đã tham gia Đội Thiếu niên xung kích và sau đó tiếp tục tham gia bộ đội. Anh đã chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam Đà Nẵng ác liệt. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mãnh đất này được phong tặng danh hiệu: Trung dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ.

Tháng 2/1976, anh rời khỏi quân ngũ, chuyển sang công tác tại TAND Quảng Nam Đà Nẵng và trải qua nhiều chức danh, chức vụ khác nhau. Trước khi chuyển về TAND tỉnh Quảng Nam, anh giữ chức vụ Phó chánh án TAND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Thực hiện Quyết định số: 1046/ QĐ.QLTA ngày 18/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, anh được bổ nhiệm làm Chánh án.

 Khi mới thành lập Tòa án tỉnh Quảng Nam, chỉ tiêu biên chế có 16 người, gồm 04 Thẩm phán, 07 Thư ký và 05 chức danh khác. Tòa án nhân dân cấp huyện lúc bấy giờ có 14 đơn vị, với 105 biên chế do Sở Tư pháp tỉnh quản lý.

Cơ sở vật chất TAND tỉnh Quảng Nam lúc thành lập hầu như không có gì, ngoài chiếc xe ô tô Mekong cũ kỹ, một vài bộ bàn ghế cũ từ Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng chuyển giao. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, cùng với các cơ quan Nhà nước địa phương đặt trụ sở tại Tam kỳ, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ từ ngày 01/01/1997. Trong những năm đó, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam, mà anh là người đứng đầu đã có công lớn xây dựng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn khó khăn nhất. Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam góp phần quan trọng, cùng với chính quyền địa phương bảo đảm tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của một tỉnh nghèo vừa mới tái lập.

Đón xuân mới tưởng nhớ về anh, tôi xin trân trọng được nói về anh, Người lãnh đạo tận tụy vì sự nghiệp Tòa án, được nhân dân, đồng nghiệp, bạn bè yêu quý.

Đồng chí Trần Ngọc Triều cùng các Thẩm phán, cán bộ công chức
tại trụ sở làm việc tạm (Trường Đảng thị xã Tam Kỳ – năm 1997)

 

Người chỉ đạo công tác chuyên môn nghiệp vụ quyết liệt

Anh luôn trăn trở về chất lượng xét xử hàng năm. Dù Hệ thống Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Nam tỉ lệ án hủy, án bị sửa không vượt trên mức quy định. Nhưng còn một số Tòa án cấp huyện, Tòa chuyên trách tỉ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan còn cao. Có không ít Thẩm phán còn chủ quan không trao dồi chuyên môn, tắc trách để án bị hủy, sửa trên mức quy định đã làm ảnh hưởng chung về chất lượng xét xử. Anh luôn suy nghĩ tìm ra giải pháp mà việc chỉ đạo kiểm điểm, yêu cầu giải trình và có cam kết khắc phục sửa chữa theo anh là giải pháp quan trọng nhất.

Tôi không bao giờ quên, anh đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Anh không nể nang, không bao che, không thiên vị một ai. Thẩm phán dù ở vị trí lãnh đạo nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết xét xử các loại án có tỉ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan trên mức quy định đều phải kiểm điểm công khai trước diễn đàn. Với anh, dù ngay cả bản thân anh là Chánh án, hay các Phó chánh án tỉnh; Chánh tòa, phó chánh tòa chuyên trách; Chánh án, Phó chánh án Tòa án nhân dân huyện cũng đều phải kiểm điểm nếu không hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử được giao. Kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong điều hành để Thẩm phán xét xử bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan trên mức quy định.

Năm 2011 là năm có nhiều án bị hủy, bị sửa nghiêm trọng, có đến 20/82  Thẩm phán hai cấp bị kiểm điểm, giải trình ( chiếm tỷ lệ 24,39%); có 09/22  Chánh án cấp huyện và Chánh tòa chuyên trách phải kiểm điểm giải trình (chiếm tỉ lệ  40,9%). Anh đã chỉ đạo kiểm điểm đến 02 ngày (từ 19 -20/12/2011).

Số lượng án ngày càng nhiều, tính chất vụ án mà các Thẩm phán giải quyết ngày càng phức tạp. Việc thu thập chứng cứ mỗi vụ án khác nhau, đánh giá chứng cứ lại càng phức tạp đối với từng Thẩm phán. Do đó án bị hủy, hay bị sửa nghiêm trọng không vụ án nào, giống vụ án nào.

Người làm Thẩm phán khi nhân danh Nhà nước đòi hỏi trách nhiệm rất cao và hết sức vất vả. Nhất là trách nhiệm của Thẩm phán trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết những tranh chấp dân sự phức tạp. Có những vụ án đương sự không hợp tác, manh động cố ý gây thương tích, xâm phạm nhân phẩm, tính mạng Thẩm phán.

Nhờ sự chỉ đạo kiểm điểm kịp thời và nghiêm túc của anh đối với Thẩm phán mỗi năm, mà chất lượng giải quyết, xét xử của các Thẩm phán từ tỉnh, đến huyện được nâng lên rõ rệt.

Bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ công chức ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Với trách nhiệm người đứng đầu hệ thống Tòa án hai cấp tỉnh Quảng Nam, anh đã cùng với Ban cán sự Đảng có công rèn luyện bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án. Khẩu hiệu hành động mà anh cùng Ban cán sự Đảng đề ra với phương châm yếu tố con người là quan trọng và xuyên suốt:

“Thước đo phẩm chất cách mạng của Thẩm phán, cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân tỉnh là tinh thần dũng cảm, tinh trung thực và tấm lòng nhiệt huyết, nguyện cống hiến tất cả sức mình cho sự nghiệp công bằng xã hội, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân, với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Cán bộ, công chức trong toàn ngành đoàn kết, hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; quyết tâm xây dựng ngành Tòa án nhân dân trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong giai đoạn mới”.

Có thể nói phương châm, khẩu hiệu hành động mà anh tham mưu, đề xuất Ban cán sự Đảng, thể hiện ở anh người lãnh đạo có tâm huyết, hết lòng vì sự nghiệp Tòa án, vì nhân dân. Anh lấy đối tượng phục vụ là nhân dân, thực hiện theo lời Bác: “ Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân.”

Anh quan tâm đúng mức về giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống nhất là sâu sát trong công tác chuyên môn. Trong thời gian anh lãnh đạo đã đào tạo nhiều thế hệ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trưởng thành trong đó có tôi. Anh nói cải cách tư pháp, đổi mới và nâng cao chất lượng xét xử muốn thành công chính là ở nhân tố con người. Mỗi Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức Tòa án nhân dân phải tự phấn đấu vươn lên, tự tu dưỡng, rèn luyện trong thực tiễn…

Một vấn đề khác trong công tác lãnh đạo, điều hành mà tôi tâm đắc ở anh, đó là cách nói, cách trình bày đi vào lòng người. Người miền Trung thường đặc sệt từ ngữ địa phương, khi nói hoặc trình bày thường không rõ ràng, mạch lạc bằng các địa phương khác. Từ xưa người Quảng Nam:“Ăn cục, nói hòn” còn mệnh danh:“Quảng Nam hay cãi”.  Nếu người Thẩm phán bê nguyên xi nhược điểm trên vào trong công tác xét xử thì sẽ không đảm bảo. Đối với anh, có một phong cách riêng, tranh cãi có nơi, có lúc. Tại các hội nghị, phiên họp khi thảo luận thì anh yêu cầu tranh luận cho ra lẽ. Anh phát biểu hoặc trình bày báo cáo vấn đề gì cũng rõ ràng, thuyết phục. Cán bộ, công chức mỗi lần nghe anh nói chuyện, trình bày báo cáo đều tập trung chăm chú lắng nghe.

Tôi không nói anh có tài diễn thuyết, tài hùng biện, nhưng anh cũng có tố chất như vậy. Anh có tố chất trên, một phần do thiên phú bẩm sinh, nhưng có lẽ hơn hết là qua quá trình tự học, tự rèn luyện mà có. Người làm lãnh đạo hay Thẩm phán mà không có tố chất này rất khó khăn khi chủ trì một phiên hòa giải, chủ tọa một phiên tòa hay đứng trước diễn đàn.

Phong cách diễn đạt, trình bày của anh các Thẩm phán cần học tập. Hiện nay, không ít cán bộ công chức đã giữ vị trí Lãnh đạo, các Thẩm phán có bằng cấp, được trang bị kiến thức và được đào tạo kỹ năng bài bản, nhưng khi chủ trì phiên họp, chủ tọa phiên tòa hay khi đứng trước diễn đàn phát biểu trước một sự kiện quan trọng thì lúng túng, không tự tin, có khi còn ấp a, ấp úng…

(Đồng chí Trần Ngọc Triều- đại diện lãnh đạo TAND tỉnh Quảng Nam đón nhận Huân chương Độc lập Hạng III- 2010).

      

          Sự gần gũi chân tình, sống bình dị của người lãnh đạo.

         Trước khi công tác ở Tòa án, anh là người lính cụ Hồ, nên anh mang trong người cái chất của người lính. Anh gần gũi, chân tình và luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Anh trân trọng nhân dân dù ở cương vị nào, không quan liêu xa rời đồng nghiệp, cán bộ công chức, người lao động. Nhờ đó, trong quá trình lãnh đạo, điều hành, anh luôn được mọi người yêu mến…

Anh không những quan tâm đến cán bộ, công chức, người lao động trực tiếp làm việc, mà còn quan tâm đến gia đình, con của cán bộ, công chức và người lao động. Khi gặp cán bộ, công chức anh luôn thăm hỏi, động viên ân cần.

(Đồng chí Trần Ngọc Triều phát biểu trước các cháu thiếu niên,

nhi đồng con các bộ công chức hệ thống TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam,

nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6).

Một điều đáng trân trọng khác ở anh, đó là anh không nhọc nhằn giữa việc công và việc tư. Với cương vị Chánh án một tỉnh, anh sống rất bình dị. Hằng ngày, anh đi làm việc, có khi đi công tác anh đi bằng chiếc xe máy nhãn hiệu Honda CĐ50 cũ kỹ của mình. Anh không dùng xe ô tô công cho việc riêng, việc gia đình.

Chiếc xe máy Honda CĐ50 là người bạn đồng hành gần gũi thân thiết trong suốt thời gian anh đương nhiệm. Bây giờ đã nghỉ hưu, tuổi đã cao, nhưng anh vẫn đi lại bằng chiếc xe này. Sau khi đi về, anh rửa và đưa vào hiên nhà giữ gìn cẩn thận, như gìn giữ một kỷ vật gắn bó một thời…

Đề xướng  xây dựng Quỹ hỗ trợ rủi ro, vận động thành lập Câu lạc bộ Hưu trí Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam.

         Anh là người đề xướng thành lập Quỹ hỗ trợ rủi ro, một sáng kiến nhằm để hỗ trợ cán bộ, công chức gặp rủi ro khi thực hiện nhiệm vụ. Khi cán bộ công chức gặp khó khăn bất thường trong cuộc sống mà tự khả năng của bản thân cán bộ, công chức không thể khắc phục ngay được thì được hổ trợ kịp thời. Nhờ đó, cán bộ công chức toàn tâm, toàn ý hoàn thành tốt nhiêm vụ được giao.

Tôn chỉ, mục đích của Quỹ xây dựng trên tinh thần tương thân, tương trợ, lá lành đùm lá rách; tự nguyện, chủ động giúp đỡ cán bộ, công chức ở mức có thể, để cán bộ, công chức nhanh chóng vượt qua khó khăn trong cuộc sống.          Đối tượng được hỗ trợ từ nguồn này, ngoài bản thân cán bộ công chức còn có cha, mẹ ruột, vợ, chồng và con. Cán bộ nghỉ hưu, chuyển công tác trong thời gian công tác có đóng góp quỹ cũng được hổ trợ.

Trong nhiều năm qua, Quỹ hỗ trợ rủi ro do anh đề xướng xây dựng đã góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ khó khăn, rủi ro đột xuất cho cán bộ công chức, cũng như gia đình cán bộ công chức. Nhiều trường hợp cán bộ công chức mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, con cán bộ công chức mổ tim… đều được giúp đỡ kịp thời, giảm bớt khó khăn và mô hình này đã được nhiều nơi, nhiều đơn vị học tập làm theo.

Khi đương nhiệm, anh đề xướng xây dựng Quỹ hỗ trợ rủi ro, khi về hưu anh vận động thành lập Câu lạc bộ hưu trí. Anh luôn trăn trở cán bộ, công chức làm công tác tại Tòa án sau khi nghỉ hưu phân tán mỗi người mỗi nơi. Đời sống, gia đình mỗi người cũng không ai biết. Đặc biệt, nhiều người sau khi nghỉ hưu gặp khó khăn, bệnh tật. Có người qua đời không ai thăm viếng, chia sẻ động viên gia đình cán bộ hưu trí, mà họ một thời đã cống hiến cho sự nghiệp Tòa án.

Với mong muốn tập hợp những cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Đề xuất này của anh đã được cán bộ hưu trí qua các thời kỳ vui mừng ủng hộ và được Ban cán sự Đảng, Chánh án đương nhiệm ủng hộ và ban hành quyết định thành lập.

Theo đó, Câu lạc bộ hưu trí được cán bộ hưu trí qua các thời kỳ vui mừng, ủng hộ. Nhờ đó, Câu lạc bộ hưu trí Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam đã tiến hành đại hội và đi vào hoạt động. Anh đảm nhận Phó ban thường trực Ban liên lạc Câu lạc bộ hưu trí TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam. Câu lạc bộ hưu trí đã làm kỷ yếu để ghi lại tất cả các bộ hưu trí qua các thời kỳ. Đồng thời chia sẻ thông tin và thăm hỏi lẫn nhau trong lúc khó khăn. Câu lạc bộ còn tham mưu, góp ý cho Ban cán sự Đảng, Chánh án đương nhiệm về kinh nghiệm, thông tin trong quản lý điều hành. Con người anh luôn vì tập thể, luôn trăn trở vì sự nghiệp Tòa án mà anh đã cống hiến gần cả cuộc đời. Cán bộ, công chức, người lao động hiện còn làm việc hay đã nghỉ hưu đều trân trọng anh.

Qua gần 16 năm, với vai trò Bí thư Ban cán sự Đảng – Chánh án TAND tỉnh Quảng Nam, anh đã xây dựng một tập thể Hệ thống TAND hai cấp tỉnh Quảng Nam ngày càng vững mạnh, nội bộ đoàn kết, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

          Những điểm son đáng ghi nhận mà anh đã cống hiến cho Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam:

Tập thể: Được tặng thưởng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt năm 2000, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì; năm 2005 Huân chương lao động hạng Nhất; năm 2010 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng III. Riêng cá nhân: Anh được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Bằng khen, danh hiệu thi đua…

Năm 2020 Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam được vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước khen thưởng: Huân chương Độc lập hàng Nhì, trong đó có sự đóng góp công sức to lớn của anh.

Sức khỏe của anh không còn như trước, bệnh huyết áp, bệnh gút luôn thường trực, nên người anh đã gầy càng gầy thêm. Tôi  gặp anh để xin phép được viết về anh. Anh nói: “Mình có gì đâu mà viết, em đừng phóng đại lên anh em nghĩ sai về anh”. Anh là người luôn khiêm tốn.

Mùa xuân này,  anh đã ra đi mãi mãi trong niềm thương tiếc vô hạn của đồng nghiệp, của các thế hệ cán bộ công chức, người lao động trong hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam, gia đình và bạn bè.

Thời gian không làm phai mờ trong tôi những gì anh đã để lại, đó là: “ Cái tâm” của người Lãnh đạo.

Mong muốn của tôi, những mặt tích cực của anh được lan tỏa…

Tác giả: Lê Nghĩ (Thẩm phán Trung cấp- PCA TAND huyện Nông Sơn.)

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lịch trực (Từ ngày 16/4-22/4/2020)

TAND TỈNH QUẢNG NAM                        …

X