Giới thiệu Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn

Thực hiện Nghị định 42/NĐ-CP ngày 08/4/2008 của Chính phủ về việc chia tách địa giới hành chánh huyện Quế Sơn để thành lập huyện Nông Sơn; Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn ra đời từ đó, là đứa con sinh sau, đẻ muộn nên rất còn non trẻ trong Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam. Khi mới thành lập chỉ có 3/7 biên chế ( 01 Chánh án, 01 Phó chánh án và 01 hợp đồng kế toán), đội ngũ cán bộ công chức vừa thiếu nhưng phải thay nhau đi học nhiều, lại thêm điều động, luân chuyển, nghĩ hưu. Điều kiện phương tiện làm việc còn thiếu thốn, khó khăn về mọi mặt, nơi làm việc là nhà tạm được mượn từ nhà sinh hoạt thôn, diện tích chưa đầy 100 m2 vừa là trụ sở làm việc, xét xử, vừa là nơi ăn ở, sinh hoạt của cán bộ, công chức; tất cả cán bộ công chức trong đơn vị đều công tác xa nhà. Nhưng nhờ sự đoàn kết thống nhất, nêu cao tinh thần trách nhiệm, lập trường tư tưởng vững vàng, an tâm công tác, phát huy tinh thần tự học, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống và đặc biệt hơn nữa là nhờ sự động viên chia sẻ của Lãnh đạo ngành cấp trên; sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên nhiều năm liền đơn vị đã tổ chức tốt các phong trào thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong hơn 10 năm qua, đơn vị đã thụ lý giải quyết 785/805 vụ, việc các loại, đạt 97,6%. Trong đó án Hình sự: 141/142 vụ có 230/231 bị cáo; án tranh chấp Dân sự: 230/240 vụ; án Hôn nhân và Gia đình: 406/415 vụ; Án hành chính 04/04 vụ; Án KD-TM: 04/04 vụ ra quyết định 188/188 người bị kết án đã có hiệu lực pháp luật; Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dưỡng: 01 trường hợp. Không để án tồn đọng quá hạn luật định; hạn chế thấp nhất án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; không bỏ lọt tội và tuyệt đối không kết án oan người vô tội. 100% đơn khởi kiện của công dân đều thụ lý, giải quyết đúng hạn luật định; 100% đơn khiếu nại hoạt động tư pháp đều được giải quyết đúng pháp luật. Đặc biệt, là tăng cường công tác hòa giải nên tỷ lệ án hòa giải thành trong án tranh chấp dân sự, án HN&GĐ hằng năm chiếm trên 75 %. Qua kết quả thực hiện các phong trào thi đua nhiều đảng viên, cán bộ công chức đã phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu, công tác Hội thẩm nhân dân, xây dựng đảng và các đoàn thể, đền ơn đáp nghĩa, đóng góp xã hội đều thực hiện tốt.

Là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm tỉnh lỵ gần 80 km, địa hình phức tạp, có điểm xuất phát thấp và thường xuyên chịu ảnh hưởng bất lợi của thiên tai, lũ lụt, thông tin liên lạc bị gián đoạn, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Toàn huyện có 7 xã, 39 thôn, với DT tự nhiên 471,64 Km2, dân số 32.026 người; diện đất lâm nghiệp chiếm 80,25%, tỷ lệ hộ nghèo trên 50 %; nông nghiệp chiếm trên 70 %. Cơ sở hạ tầng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Mặc dầu vậy, nhưng tập thể cán bộ, công chức đơn vị đã vượt qua khó khăn thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhiều năm liền được Toà án nhân dân Tối cao tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” và Bằng khen cho tập thể và nhiều cá nhân, năm 2012 được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen và nhiều năm liền được các cấp chính quyền địa phương tặng Giấy khen, Cơ quan có đời sống văn hoá tốt, Công đoàn cơ sở vững mạnh; Chi bộ trong sạch vững mạnh.

Có được kết quả nêu trên là nhờ thực hiện tốt phong trào thi đua của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam; nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thi đua “thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Đơn vị đã tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo kế hoạch cụ thể, linh động; tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo của Tòa án nhân dân cấp trên; sự lãnh đạo, giúp đỡ của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp xã trong việc tổ chức xét xử lưu động và thu thập chứng cứ. Thực hiện tốt công tác phối kết hợp với các cơ quan trong khối nội chính và các ngành có liên quan trong việc giải quyết các loại án, phát huy sức mạnh tập thể, động viên sự nhiệt tình, sáng kiến cải tiến của toàn thể cán bộ, công chức; đồng thời tổ chức phát động nhiều đợt thi đua ngắn hạn gắn với những ngày lễ lớn trong năm và với từng chủ đề cụ thể, với mục tiêu là tập trung hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua, nâng cao chất lượng xét xử các loại án, tăng cường công tác xây dựng đơn vị, đẩy mạnh các hoạt động của các tổ chức đoàn thể, xã hội; tổ chức tốt các phong trào thi đua “Ba tốt”;“ Một tập trung, hai đột phá”;“ Ba có, bốn không” và nhiều phong trào thi đua khác …

Để thực hiện tốt phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, hơn 10 năm qua lãnh đạo đơn vị đã quán triệt thực hiện công tác “ Dân vận khéo” nên đặt công tác “Hoà giải” lên hàng đầu, kiên trì thuyết phục để các đương sự tự thỏa thuận với nhau trên cơ sở tự nguyện và đúng trình tự quy định của pháp luật. Mục đích của hòa giải là nhằm đạt được sự thỏa thuận của các đương sự về việc giải quyết các tranh chấp, đảm bảo nguyên tắc quyền tự định đoạt của các đương sự, hạn chế những mâu thuẩn, bất đồng và tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong gia đình cũng như trong xã hội. Không những góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mà còn làm đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức. Cũng thông qua những phiên hoà giải đã giúp cho Thẩm phán rèn luyện và nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ vào hoạt động xét xử: “ Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”; “ Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác xét xử của Tòa án, trước hết phải vì dân, vì nước do bản chất Nhà nước ta là “ một nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” và pháp luật của ta là “pháp luật bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động”. Trong bài nói tại Hội nghị tư pháp toàn quốc năm 1957, một lần nữa Người nhấn mạnh: “Bây giờ cả nước có nhiệm vụ chung cho các ngành là đấu tranh thống nhất nước nhà, khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta”. Thứ hai, công tác xét xử phải theo nguyên tắc “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Thứ ba, Tòa án “ không thể chỉ hạn chế hoạt động xét xử của mình trong khung Tòa án mà phải phối hợp với các cơ quan nhà nước”. Vấn đề này, trong thư gửi Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2 năm 1948, Người coi Tòa án là cơ quan trọng tâm của ngành tư pháp, Người chỉ rõ: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thần đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho tất cả tư pháp và hành chính”. Thứ tư, đối với cán bộ Tòa án phải liêm khiết, gần gũi với nhân dân và không ngừng học tập để nâng cao trình độ như Người đã phát biểu dặn dò tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp năm 1950: “ Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ, phải gần dân, giúp dân, hiểu dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng”.

Với định hướng đó, trong 10 năm qua lãnh đạo đơn vị luôn chỉ đạo tăng cường đưa các vụ án ra xét xử lưu động. Các phiên tòa đều được tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được nâng cao. Trong xét xử luôn tuân thủ nguyên tắc ” xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật”, ” Khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.  phối hợp chặt chẽ với Công an và VKS nhân dân cùng cấp triển khai tổ chức tốt các phiên tòa lưu động, đề cao vai trò, vị trí và tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án trong hạn luật định, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Thông qua hoạt động xét xử, Tòa án nhân dân huyện đã góp phần đấu tranh, phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công lý, tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn huyện. Nhờ làm tốt công tác này, qua thực tế cho thấy tại những nơi đã đưa vụ án ra xét xử lưu động tình hình tội phạm và khiếu kiện đã có phần thuyên giảm.

Đặc biệt, thực hiện việc cải cách tư pháp, Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn đã chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa nên chất lượng xét xử nâng lên rõ rệt, không có án xét xử oan sai phải bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tuyệt đối không bỏ lọt tội phạm. Công tác tiếp nhận đơn, thư của công dân cũng được chú trọng và giải quyết đúng quy định nên trong thời gian qua không có khiếu nại vượt cấp.

Mười năm một chặng đường với nhiều khó khăn, thử thách đã đi qua, bộ mặt nông thôn miền núi đang dần dần thay da đổi thịt, tốc độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng nhanh, tuyến đường ĐT 611b nối liền từ Quế Sơn đến trung tâm huyện lỵ và tuyến đường từ huyện lỵ đến Tp Đà Nẵng được bê tông hóa; các tuyến đường từ huyện đến các xã cũng dần dần được hình thành; các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện cũng đã và đang được xây dựng khang trang; hệ thống truyền thanh, truyền hình được phủ sóng đến cộng đồng dân cư; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đối với Tòa án nhân dân huyện cũng luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt hơn là được Tòa án nhân dân cấp trên đầu tư xây dựng trụ sở làm việc khang trang, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc được mua sắm tương đối đầy đủ; cán bộ, công chức có nơi ăn, chốn ở ổn định. Đội ngũ cán bộ, công chức đến nay tương đối đủ số lượng so với biên chế được giao( 02/03 Thẩm phán, 04 Thư ký, 01 kế toán và 02 hợp đồng bảo vệ, tạp vụ); đồng thời cũng được quan tâm tăng cường đào tạo về lý luận chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỷ năng xét xử, đảm bảo yêu cầu được giao.

Theo dòng chảy của thời gian, hệ thống Tòa án nhân dân các cấp đã và đang phát triển cùng với lịch sử của đất nước, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển, đóng góp rất lớn cho việc bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của nhân dân; Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn cũng đang từng bước trưởng thành qua 10 năm hình thành và phát triển. Tuy thời gian không dài nhưng cán bộ, công chức Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn cũng đã gặt hái được nhiều kết quả đáng trân trọng, góp phần cùng với Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Song, với ngần ấy thời gian để cống hiến cho hệ thống Tòa án của mỗi cán bộ, công chức ở huyện Nông Sơn chưa phải là nhiều. Nông Sơn, đang trên đà xây dựng và phát triển theo mô hình huyện nông thôn mới, tương lai sẽ đem đến cho người dân một cuộc sống tươi đẹp, bình yên và hạnh phúc. Để làm được điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân, trong đó có tinh thần, trách nhiệm của tập thể cán bộ, công chức Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn. Bên cạnh đó về tình hình tội phạm cũng như tính chất các loại án ngày càng phức tạp, nhất là những vụ án tăng thẩm quyền, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tranh chấp hợp đồng vay tài sản, biêu hụi; tranh chấp đất đai, đất rừng. Vai trò, vị trí của Tòa án được nâng lên sau khi Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013 có hiệu lực thi hành; Tòa án nhân dân cấp huyện được giao nhiều phần việc nặng nề hơn theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính; Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Luật đất đai đã được sửa đổi; các Bộ luật hình sự, Dân sự và tố tụng…mới ban hành.

Tuy chặng đường phía trước cũng còn rất nhiều khó khăn, đầy chông giai và thử thách bởi những cạm bẩy của cơ chế thị trường thì đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải giữ vững lập trường tư tưởng, không dao động trước những cám giỗ của đồng tiền. Tập thể cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, đoàn kết sẽ giúp sức mạnh tập thể được nhân lên, giúp cá nhân vượt qua mọi khó khăn; bên cạnh đó luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp của Ban lãnh đạo, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh quảng Nam cùng với Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện và sự hổ trợ của các cấp, các ngành địa phương. Tập thể  cán bộ, công chức, người lao động đơn vị sẽ phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện nhà.

Đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn

Để đáp ứng kịp thời với nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới, đồng thời thực hiện việc cải cách tư pháp, theo Hiến pháp năm 2013 xác định Tòa án là cơ quan giữ vai trò trọng tâm của ngành tư pháp. Đặc biệt, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải công tâm, khách quan, thượng tôn pháp luật, không vì lợi ích riêng tư, không để nén bạc đâm toạc công lý, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy của Bác đối với ngành Tòa án “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” thì mỗi cán bộ, đảng viên, công chức Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn cần phải:

Một là, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nói phải đi đôi với làm; nói ít làm nhiều” và “ xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minhgắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trng ương 4 khóa XII về  “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.v.v… Tập thể cán bộ, công chức phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, không ngừng phấn đấu học tập, tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, có chương trình hành động thiết thực và việc làm cụ thể như nghiên cứu kỹ các Bộ luật, Pháp lệnh, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và các Kế hoạch chỉ đạo của Toà án nhân dân Tối cao và Toà án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam.v.v…đồng thời bám sát chủ trương, Nghị quyết của Trung ương, tỉnh và của huyện…vận dụng sáng tạo và linh hoạt vào nội dung giải quyết từng vụ án và hoạt động của đơn vị; tập trung nâng cao chất lượng công tác xét xử, làm tốt công tác xây dựng Đảng và các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp. Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, của Toà án cấp trên, sự hổ trợ của UBND huyện và sự phối hợp của ba ngành làm án cùng các ban ngành, đoàn thể của huyện.v.v…

Hai là, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với cán bộ, đảng viên để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động; lãnh đạo luôn gần gũi để lắng nghe và nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, cán bộ; tạo môi trường làm việc cởi mở và tạo cơ hội cho công tác tự phê bình và phê bình, đánh giá phân loại đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động đúng thực tế với công việc; động viên khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm.

Ba là, tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật và thực tiễn xét xử, bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật, đẩy mạnh việc đổi mới thủ tục hành chính. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng chương trình phù hợp, xác định nhiệm vụ trọng tâm, có kế hoạch theo chuyên đề, từng đợt cụ thể và phát động, tổ chức tốt công tác thi đua; sơ kết, tổng kết từng đợt để kịp thời biểu dương, khen thưởng.

Bốn là, trong quá trình xét xử yêu cầu cao nhất là bảo đảm ra bản án, quyết định đúng pháp luật mang lại công lý cho mọi người, không để xảy ra oan người vô tội và tuyệt đối không bỏ lọt tội phạm. Khi tiến hành xét xử cần nắm vững 3 nguyên tắc quan trọng đã được hiến định là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân khi xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tranh tụng trong xét xử được đảm bảo các quyền bào chữa của bị can, bị cáo; quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm.

Năm là, thường xuyên củng cố xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; xây dựng tập thể cán bộ, công chức thành một khối đoàn kết thống nhất; người đứng đầu phải thể hiện vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành, quyết đoán, dám nghĩ, dám lám, dám chịu trách nhiệm; phát huy dân chủ trên tất cả các mặt xứng đáng là ngọn cờ tập hợp đoàn kết. Mỗi cán bộ, công chức phải nhận thức và phát huy tinh thần đoàn kết, nhiệt tình, năng nổ, tận tâm, tận lực với nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt các phong trào thi đua sẽ tạo động lực cho sự phát triển và hoàn thành tốt các mặt công tác của cá nhân và đơn vị.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bằng các Nghị quyết mang tính chiến lược đối với hệ thống tư pháp của nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân các cấp và 10 năm thành lập Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn, chào mừng Quốc khánh 2/9, Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn sẽ quyết tâm thực hiện tốt các phong trào thi đua; cán bộ, công chức đơn vị nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với hệ thống Tòa án nhân dân tiến tới xây dựng một nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”./.

Lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Nông Sơn

Ông: Nguyễn Ngọc Tam

Chức vụ: Chánh án
Năm sinh: 1972
Quê quán: Xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam
Thường trú: Thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, Quảng Nam
Trình độ: Đại học Luật – Cao cấp chính trị

X